Lan đuôi chồn là một trong những giống lan rừng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng loại lan này rất “khó chiều”. Bài viết này nuoitrong.vn xin chia sẻ với các bạn kỹ thuật trồng và mẹo chăm sóc lan đuôi chồn chuẩn nhất. Cùng tìm hiểu ngay sau đây!
Nội dung
Sơ lược về lan đuôi chồn
Loài lan này ban đầu được bao gồm trong chi Aerides. Tuy nhiên, bởi vì nó có những khác biệt khá nổi bật, cuối cùng nó đã được đặt một chi riêng biệt, đó là Rhynchostylis.
Lan đuôi chồn có tên khoa học là Rhynchostylis retusa, thuộc dòng hoa Vanda. Lan Rhynchostylis là loài thực vật biểu sinh mọc trên các thân cây ở vùng khí hậu nhiệt đới, ấm áp.
Cũng là loại lan có hoa rủ xuống như lan hạc vỹ nhưng cây phong lan đuôi chồn được đặt tên cho cụm hoa dài giống như một chiếc đuôi chồn mềm mại. Loại cây này nổi bật với vẻ đẹp và hương thơm cay nồng.
Cây thường nở hoa vào tháng 4 – tháng 6 trong năm. Cụm hoa gồm rất nhiều bông kết thành chùm dài khoảng 15-20 cm, nhiều cây khỏe có thể cho cụm hoa dài đến 35-40 cm.
Trồng lan đuôi chồn không quá khó, nhưng nếu không đúng kỹ thuật cây có thể bị vàng lá, rụng lá, lá càng trồng càng teo tóp, không ra rễ, cây dần kiệt sức và chết.
Rễ của chúng trông giống như rễ lan Vanda nhưng thực ra mềm và dễ gãy hơn. Vì vậy trong quá trình chăm bón bạn nên tưới nước thường xuyên nhưng lưu ý để cây khô giữa các lần tưới.
Nên bón phân vào những tháng đông xuân nhưng không nên bón nhiều như đối với Vanda vì sự phát triển của chúng tốc độ không quá nhanh như của lan Vanda.
Kỹ thuật trồng lan đuôi chồn
Lựa chọn lan như thế nào?
Khi lựa cây lan để trồng cần chọn những cây lan có gốc chắc khỏe, cứng cáp. Đây là điều quan trọng nhất cần lưu ý. Những cây lan có bộ lá xanh mượt nhưng gốc bị dập nát cũng không thể phát triển được.
Khi đưa những gốc lan về nhà, các bạn hãy đặt ở một nơi râm mát, thoáng khí trong khoảng 4-5 giờ để lan làm quen với khí hậu, nhiệt độ môi trường sống.
Chuẩn bị trước khi trồng
Xử lý lan đuôi chồn trước khi trồng bằng cách cắt tỉa những đoạn rễ, lá đã bị hỏng và rửa qua với nước sạch. Lưu ý phải giữ nguyên phần gốc lan, không được làm ảnh hưởng đến phần này.
Hòa tan khoảng 4-5 viên vitamin B1 vào 6-7 lít nước sạch. Sau đó ngâm toàn bộ lan trong khoảng 15-20 phút để kích thích và điều hòa tăng trưởng cho cây. Tiếp đó, buộc khóm lan này treo ở chỗ mát khoảng 3 ngày.
Sử dụng atonik hoặc thuốc kích rễ N3M hòa theo liều lượng thích hợp để tiếp tục ngâm lan. Nếu có thể bạn hãy phun luôn nấm đối kháng xử lý nấm mốc ở thời điểm này.
Treo ngược những gốc lan đã qua xử lý ở nơi có bóng râm mát và phun sương hàng ngày 2 lần (sáng sớm và chiều mát). Việc treo ngược cây sẽ giúp cây không bị đọng nước ở những kẽ lá khi phun tưới và kích thích quá trình phát triển rễ cây.
Trong khoảng 10-12 ngày, rễ cây sẽ phát triển. Chúng ta bắt đầu tiến hành đưa cây lên giá thể trồng. Nếu chưa thấy dấu hiệu ra rễ của cây, ta thực hiện ngâm kích rễ bổ sung cho cây.
Tiến hành trồng lan đuôi chồn
Chọn chậu hoặc thân gỗ mà bạn muốn cấy lan. Trước khi trồng cần tìm hiểu rõ về đặc tính lan đuôi chồn để có những xử lý phù hợp.
Trồng lan đuôi chồn cũng như các loại lan rừng khác. Bạn có thể trồng lan trong chậu treo, rổ treo hoặc ghép lan vào thân cây. Kỹ thuật không khác gì so với những loại lan rừng khác. Cấy lan vào chậu hoặc ghép lan vào cây đều đơn giản, quan trọng là cách chăm sóc cho cây về sau.
Trồng lan đuôi chồn không khó, chủ yếu là vấn đề tái tạo môi trường tự nhiên của cây. Cây phong lan đuôi chồn không sống tốt dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp nhưng phát triển mạnh trong ánh sáng lọc hoặc bóng râm.
Tuy nhiên, chúng có thể chịu được ánh sáng trong nhà sáng hơn vào mùa thu và mùa đông.
Cây phát triển tốt trong chậu đất sét có thoát nước bên cạnh hoặc trong giỏ gỗ đã chứa đầy vỏ cây cứng hoặc than đá không dễ vỡ.
Hãy nhớ rằng cây không thích bị xáo trộn, vì vậy hãy sử dụng giá đỡ có tuổi thọ từ 4 đến 5 năm để tránh thay chậu thường xuyên.
Tốt hơn là không thay chậu lan cho đến khi cây bắt đầu phát triển ở các cạnh của giá thể.
Chăm sóc lan đuôi chồn
Độ ẩm là yếu tố then chốt quyết định sự sống của cây. Cây cần được phun sương hoặc tưới nước hàng ngày, đặc biệt là lan Rhynchostylis được trồng trong nhà hoặc những nơi có độ ẩm thấp.
Tuy nhiên, lưu ý không để đất bị sũng nước. Đất quá ẩm ướt có thể gây thối rễ, thường gây chết cây.
Cho lan đuôi chồn Rhynchostylis ăn mỗi lần tưới nước, sử dụng phân bón tổng hợp NPK với tỷ lệ cân đối, chẳng hạn như 20-20-20.
Trong suốt mùa đông, cây sẽ phát triển rất tốt nếu cho ăn nhẹ ba tuần một lần, sử dụng cùng một loại phân bón trộn với nồng độ một nửa bình thường.
Ngoài ra, những mùa khác nên cho cây ăn hàng tuần, sử dụng một phần tư phân bón hỗn hợp. Đừng cho ăn quá nhiều và hãy chắc chắn bón phân sau khi tưới nước, vì phân bón cho đất khô có thể làm cháy cây.
Những lưu ý khi chăm sóc lan đuôi chồn
Loại lan này có thể thích nghi cả trong mùa nắng và mùa mưa. Mặc dù chúng rất dễ chăm sóc và không yêu cầu giá thể cụ thể, nhưng tránh tưới nước cho chúng vào lúc chiều muộn trong giai đoạn thích nghi vào mùa khô.
Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm cho chồi bị thối hoặc chuyển sang màu đen.
Mặc dù cây có khả năng nhận được ánh sáng trực tiếp suốt cả ngày, nhưng việc đặt cây ở nơi râm mát chỉ trong vài giờ có thể khiến cây phát triển mạnh và ra hoa. Độ ẩm cũng được duy trì với mức cần thiết trong khoảng 70 – 80%.
Có thể duy trì độ ẩm bằng cách trồng nhiều cây xanh hoặc các loại cây cảnh khác, làm bay hơi nước trong các thùng chứa, đặt các giá thể ẩm hút ẩm hoặc nước như bọt biển, rễ dương xỉ, hoặc vỏ dừa xung quanh cây. Bạn cũng có thể tưới nền vườn vào một ngày nắng nóng.
Màu sắc của lá cho biết ánh sáng chúng nhận được có đủ hay không. Lá quá tối màu là dấu hiệu của ánh sáng yếu, có thể ảnh hưởng đến sự ra hoa.
Lá rất nhạt có màu xanh vàng cho thấy dư thừa ánh sáng. Luôn đặt chậu hoa với mặt trước của lan (nơi cây nở ra nụ mới) hướng về phía có nhiều ánh sáng nhất.
Những lỗi sai cần tránh khi trồng lan
Có rất nhiều người yêu lan cho rằng việc trồng lan cần sự chăm chút, tỉ mỉ và khéo leo. Đúng như vậy, chỉ cần một sai sót rất nhỏ thôi cũng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây lan. Vì vậy chúng ta cần biết để tránh mắc sai lầm nhé:
Không làm sạch rễ trước khi trồng
Khi chúng ta mua những cây lan rừng theo khóm, theo cây, nhiều người sẽ thường không cắt sạch những rễ cũ. Dẫn đến việc ảnh hưởng đến quá trình ghép cây.
Lan đuôi chồn thuộc dòng đơn thân rễ gió, vì vậy sau khi mua về, việc quan trọng là cần cắt những rễ dập, hỏng. Còn những rễ tươi nên để lại, không nên cắt trụi hết.
Lựa chọn giá thể không tương thích
Lỗi sai thứ hai, lựa chọn giá thể trồng không phù hợp. Trồng lan có thể trồng trong chậu hoặc trồng theo bảng, trụ gỗ.
Nên lựa chọn những loại gỗ chắc, lâu mục và không có tinh dầu. Nếu ghép lên thân gỗ, có thể chọn gỗ vú sữa, gỗ nhãn, gỗ vải.
Còn trồng trong chậu có thể lựa chọn vỏ thông kết hợp với rêu rừng để trồng. Do vỏ thông là một loại giá thể mà lan rừng rất hợp, rễ lan bám chắc. Vỏ thông rất bền, khả năng thấm nước, giữ ẩm rất tốt
Không xử lý giá thể trước khi trồng
Những vật liệu dùng để trồng lan thường sẽ chứa nấm mốc, vi khuẩn. Vì vậy, nếu không được xử lý phù hợp, khả năng lên nấm mốc rất cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến bộ rễ của lan.
Có thể ngâm nước vôi trong khoảng 5-7 ngày. Sau đó rửa sạch, phơi khô và dùng dần. Nếu cần rút ngắn thời gian, bạn có thể luộc lên rồi phơi khô. Nhưng bắt buộc cần phải xử lý giá thể một cách cẩn thận trước khi trồng
Không ngâm đủ nước cho giá thể
Lỗi sai thứ 4, giá thể trước khi trồng không ngâm no nước. Nếu không ngâm đủ nước, giá thể sẽ rất khô.
Giá thể khô sẽ rất háo nước, dẫn đến việc hút nước ngược từ rễ cây. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cây lan khi được cấy vào.
Không tạo sự thông thoáng cho cây
Khi cấy cây, nhiều người sắp xếp giá thể một cách “đặc khít” khiến cây lan không thể thở. Bộ rễ sẽ bị đen và hỏng. Lan rừng là thực vật biểu sinh nên việc thoáng khí là vô cùng quan trọng. Không được chèn ép rễ lan.
Không được để giá thể lấp vào phần gốc của khóm lan. Điều này rất nguy hiểm. Ta cần để gốc lan thông thoáng nhằm tránh trường hợp úng nước và thối. Và khi lấp gốc như vậy, ta sẽ hạn chế sự lên mầm gốc của cây khiến cây không thể phát triển được.
Cố định cây bằng dây kim loại có thể bị gỉ
Những loại dây bằng sắt sẽ hay bị gỉ hoặc những dây kim loại khác có độ gỉ cao tuyệt đối không được sử dụng để trồng lan. Việc tưới lan thường xuyên sẽ khiến cho những loại dây này nhanh bị oxi hóa gây ảnh hưởng lớn đến cây lan.
Vì vậy, cần lựa chọn loại dây buộc phù hợp, có thể là dây kẽm, dây đồng hoặc dây đã được bọc lót bên ngoài.
Bón phân sát gốc
Nhiều người thường vội vàng trong việc bón phân cho lan hoặc bón phân sát gốc cho lan. Tuy nhiên, khi mới trồng, cây lan chưa được hoàn thiện.
Giai đoạn đầu lan chỉ phát triển một số rễ nhỏ bám vào giá thể để hút nước và chất dinh dưỡng. Cây chưa có khả năng tiếp cận được môi trường phân bón. Vì vậy nên tưới phân xa phần gốc (cho ăn gián tiếp)
Lan đuôi chồn là một loại lan rừng rất đáng trồng vì vẻ đẹp đặc trưng của nó. Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu thêm về cách trồng và chăm sóc lan đuôi chồn. Chúc các bạn thành công!
Theo: Ngọc Lan