Gừng là loại gia vị có trong căn bếp của hầu hết các gia đình. Chúng còn là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe. Cách trồng gừng ra sao? Kỹ thuật chăm sóc gừng như thế nào? Hãy cùng nuoitrong.vn tìm hiểu cách trồng gừng tại nhà cho nhiều củ qua bài viết sau đây nhé.
Nội dung
Đặc điểm cây gừng
Gừng là cây thân thảo sống lâu năm có nguồn gốc từ Ấn Độ, Đông Nam Á. Thân gừng mọc cao khoảng một mét. Các lá dài từ 15 đến 30 cm, mọc xen kẽ thành hai hàng dọc từ các bẹ bao quanh thân.
Lá gừng có hình mũi mác, màu xanh đậm. Thân và lá gừng cũng có thể được sử dụng làm gia vị cho các món ăn và hương liệu. Củ gừng có nhiều đốt, phát triển dưới đất, mỗi đốt có một vài mắt có thể nảy chồi non.
Trong điều kiện thích hợp, những chồi này sẽ phát triển tạo thành cây mới. Bên trong củ gừng có màu vàng nhạt và có nhiều sơ. Đây là phần được sử dụng nhiều nhất của cây gừng. Củ gừng có mùi thơm và vị đặc trưng, nên được sử dụng để làm gia vị. thực phẩm, dược liệu,…
Những khóm gừng mọc từ 2 – 3 năm trở lên thì sẽ có thể ra hoa. Hoa gừng mọc ra từ củ, cuống dài khoảng 20 cm gồm nhiều bông mọc sát nhau. Hoa gừng có 3 cánh màu vàng nhạt, mép màu tím.
Thời điểm trồng gừng
Thời điểm thích hợp để trồng gừng trong năm vào đầu mùa xuân từ tháng một cho đến tháng hai hoặc cuối mùa xuân từ tháng tư cho đến tháng năm. Ngoài ra cuối năm từ tháng 10 đến tháng 12 cũng là thời điểm thích hợp có thể bắt đầu trồng gừng.
Từ lúc trồng gừng đến lúc thu hoạch khoảng tám đến mười tháng (tùy theo từng giống gừng).
Chọn gừng giống
Gừng trồng tại nhà dùng để làm gia vị nên chọn loại gừng ta. Chúng có củ nhỏ, mùi thơm và cay, có thể kể đến gừng dé hay gừng sẻ. Những củ gừng loại to là gừng lai, không có mùi thơm và vị cay như gừng ta. Gừng lai phát triển nhanh và chiếm nhiều không gian của chậu.
Chọn những củ gừng già có nhiều mắt, không bị héo, không bị mốc và sạch bệnh. Chọn giống gừng lá yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng của củ gừng.
Chuẩn bị đất trồng và chậu trồng
Gừng có thể trồng trong chậu sứ, chậu xi măng hay thùng xốp cũng được. Tối thiểu phải đảm bảo chiều rộng ít nhất ba mươi cm, chiều cao ít nhất bốn mươi cm. Kích thước chậu như vậy trở lên để củ gừng có đủ không gian phát triển. Chậu (thùng) đảm bảo có lỗ thoát nước để cây không bị úng nước.
Ngoài ra, bao tải cũng là một sự lựa chọn để trồng gừng. Có thể tận dụng các bao tải hoặc bao xi măng thay vì trồng trong chậu. Bao tải chứa được nhiều đất hơn, cung cấp được nhiều chất dinh dưỡng, và có khả năng thoát nước tốt. Cây sẽ phát triển tốt hơn.
Mặc dù gừng có thể phát triển ở trong nhiều loại đất nhưng vẫn có những lưu ý để chuẩn bị đất sao cho gừng phát triển tốt. Đất mềm thì rễ gừng vươn ra và phát triển dễ hơn. Đất thoát nước tốt ngăn ngừa cây gừng bị thối rễ.
Đất trồng nên chọn các loại đất mềm, tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt.
Gừng phát triển tốt ở đất có pH từ 6 – 6,5. Có thể mua các loại đất dinh dưỡng tại cửa hàng hoặc tự làm đất theo cách sau. Trộn đất và phân chuồng đã ủ hoai mục theo tỷ lệ 60:40. Rắc thêm một ít vôi bột để trừ nấm hại. Có thể thêm mùn hữu cơ, xơ dừa hoặc trấu để tăng độ tơi xốp cho đất.
Cách trồng gừng
Xử lý tạo hom gừng giống
Cách trồng gừng đơn giản thông thường là đem ngâm gừng giống đã chuẩn bị qua đêm. Sau đó vớt gừng ra và dùng dao hoặc tay tách thành từng phần. Mỗi phần có từ 2 – 3 mắt.
Khi tách tránh cắt vào mắt gừng và loại bỏ phần gốc không có mầm. Gừng sau khi cắt có thể chấm vào tro bếp hoặc nhúng qua dung dịch thuốc trừ nấm nếu có. Lúc này tiến hành đem trồng gừng vào chậu.
Cách trồng gừng năng suất là đem ủ gừng trước thời điểm trồng. Mục đích để cho các mắt gừng nảy mầm đều nhau. Dùng dao hoặc tay tách gừng giống đã chuẩn bị thành các phần. Mỗi phần dài khoảng 3 đốt ngón tay, có từ 3 – 4 mắt gừng.
Không cắt vào mắt gừng và bỏ phần gốc không có mầm. Sau khi cắt có thể nhúng qua dung dịch thuốc trừ nấm nếu có.
Tiến hành ủ gừng
Rải một lượt trấu dày khoảng 10 cm. Xếp các phần gừng đã cắt lên. Phía trên phủ một lớp giẻ mỏng hoặc rơm. Trong quá trình ủ gừng, cần phải tưới nước đủ ẩm. Không nên để bị khô hay tưới quá nhiều nước. Vì như vậy gừng giống sẽ khó nảy mầm hoặc bị thối. Thông thường tưới nước hai ngày một lần là đủ.
Kiểm tra các mắt gừng thường xuyên, nếu thấy bị chín ép thì loại bỏ. Sau khoảng 2 tuần thì các hom gừng giống nảy mầm và có thể sẵn sàng đem trồng vào chậu.
Cách trồng gừng thủy sinh
Cách trồng này khá đơn giản. Có thể tận dụng những củ gừng đã bị mọc mầm, không yêu cầu như đối với cách trồng trên.
Dùng que nhỏ chọc qua phần đầu phía trên nhánh gừng, sau đó đặt trên một cốc nước sao cho các mầm hướng lên trên. Mục đính của que tăm là để giữ cho ít nhất một nửa nhánh gừng nằm trên mặt nước để mầm không bị thối.
Đặt ở nơi thông thoáng, có đủ sáng. Thay nước sạch hai ngày 1 lần. Củ gừng hút nước, ra rễ và lá sau 1 tuần. Khi gừng đã phát triển tốt thì có thể chuyển sang cốc hoặc bình to hơn làm cây để bàn. Hoặc có thể chuyển sang trồng ngoài đất. Khi trồng chú ý không làm gãy rễ.
Trồng gừng trong chậu
Các hom gừng giống nảy mầm đạt yêu cầu có thể đem trồng. Đổ phần đất đã chuẩn bị vào chậu tới khoảng hai phần ba chậu. Nén chặt đất vừa phải. Cho các hom gừng đã chuẩn bị vùi vào sao cho cách mặt đất khoảng 3 cm, hướng các mầm lên phía trên. Nếu vùi quá sâu có thể bị thối củ.
Với chậu nhỏ và bao tải hoặc bao xi thì nên vùi 2 – 3 hom gừng trong một chậu. Với các chậu và thùng xốp kích thước lớn hơn thì nên vùi số lượng hom phù hợp với kích thước chậu.
Sau khi trồng tưới một lượt nước. Các ngày sau đó tưới đều nước mỗi ngày hai lần, tưới vừa đủ ẩm. Sau khoảng 2 tuần thì cây gừng sẽ ra mầm.
Tham khảo thêm:
Chăm sóc cây gừng
Tưới nước
Gừng là loại cây ưa ẩm nhưng không chống được ngập nước. Vì vậy cần phải tưới nước đủ nước cho gừng trong quá trình sinh trưởng đồng thời thoát nước hợp lý. Giai đoạn sau khi trồng cần tưới nước 2 lần mỗi ngày.
Khi cây đã ra nhiều lá chỉ cần tưới 1 lần mỗi ngày. Giai đoạn thu hoạch củ sau khoảng 8 tháng thì không cần tưới nước nữa. Tưới nước đầy đủ sẽ giúp củ gừng phát triển hết cỡ và đạt chất lượng cao.
Bón phân
Do đất trồng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên việc bổ sung dinh dưỡng cho gừng cũng đơn giản. Bổ sung phân hữu cơ hoặc phân NPK. Với phân NPK, hòa tan lượng nhỏ phân vào nước rồi tưới cho cây, 2 tháng bón một lần.
Cũng có thể dùng xén lật đất ở xung quanh xìa chậu rồi rắc phân lên và lấp đất lại.
Làm cỏ và vun gốc
Trong quá trình sinh trưởng cần theo dõi để nhổ bỏ cỏ ở gốc cây cạnh tranh dinh dưỡng. Một số nhánh gừng có thể chồi lên trên mặt đất. Lúc này bổ sung lớp đất dày khoảng 3 cm lên phía trên để che kín củ gừng.
Chiếu sáng
Gừng có thể phát triển tốt ở vị trí có nhiều ánh sáng. Nếu trồng gừng ở vị trí có bóng râm thì củ phát triển kém. Vì vậy muốn có năng suất cao, bạn nên trồng ở những nơi có ánh sáng vừa đủ.
Trồng gừng ở nơi có thời gian chiếu sáng khoảng 6 giờ mỗi ngày thì củ sẽ đều và nhiều hơn.
Sâu bệnh hại cây gừng
Chú ý rằng ốc sên rất thích cắn mầm non của gừng nên cần quan sát khi mầm bắt đầu chồi lên mặt đất.
Cây gừng có thể mắc một số bệnh như thối củ, rễ, thân; bệnh sâu đục thân; bệnh khô đầu lá, cháy lá. Trong quá trình trị bệnh (đặc biệt là các bệnh thối củ, sâu hại) ở một số thời điểm nhất định thì việc cắt giảm tưới nước để hạn chế sự lây lan của cây bị bệnh là cần thiết.
Quá nhiều ánh sáng có thể khiến lá gừng bị nhạt màu.
Tuy nhiên, theo cách trồng gừng tại nhà theo nuoitrong.vn hướng dẫn hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ sức khỏe. Phòng bệnh cho gừng bằng cách làm đất kỹ, thường xuyên nhổ cỏ, bổ sung đất mới vào gốc. Tưới nước đầy đủ.
Thu hoạch gừng và bảo quản
Khi trồng gừng tại nhà, có thể đào củ gừng để sử dụng kể từ tháng thứ năm. Khi thu thao tác cẩn thận không để đứt rễ hoặc làm xước củ tạo ra vết thương thì sâu bệnh dễ xâm nhập.
Khi cây gừng có trên hai phần ba số lá héo khô là có thể thu hoạch. Thời điểm thu hoạch khoảng 8 tháng sau khi trồng. Lúc này củ gừng đã già, không cần tưới nước thêm cho cây, củ gừng thu hoạch có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản để dùng dần hoặc làm giống.
Bảo quản gừng ở nơi khô ráo, thoáng mát. Củ gừng để sử dụng từ từ có thể để 4 – 5 tháng. Củ gừng để làm giống cần chọn riêng một số củ to, có nhiều mắt.
Công dụng của gừng
Gừng là gia vị quen thuộc trong các món ăn của người dân châu Á. Gừng sử dụng để tẩm ướp các món xào, nướng để tăng thêm mùi và hương vị. Gừng có thể ngâm làm gừng muối để ăn kèm với sasimi. Gừng cũng là nguyên liệu trong các món mứt, kẹo, trà, chè,…
Theo Đông y, gừng có nhiều công dụng nên được sử dụng để giữ ấm cơ thể vò mùa đông. Ngoài ra còn dùng trị ho, chống viêm họng, giải cảm, chống hạ huyết áp, chữa đầy hơi, đau bụng, ngâm rượu xoa bóp,…
Tác dụng làm đẹp có thể kể đến như trị mụn hay giúp giảm béo.
Hy vọng các bạn đã nắm được những bí quyết để trồng và chăm sóc gừng hiệu quả. Để mỗi khi cần sử dụng gừng không cần phải chạy ra ngoài chợ, vừa tươi ngon lại vừa an toàn. Xin cảm ơn và chúc các bạn có những khóm gừng phát triển tốt.
Theo: Thủy Tiên