Kỹ thuật trồng dưa hấu “siêu ngọt” và cực kì đơn giản

Dưa hấu là một loại hoa quả rất được ưa chuộng đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Bởi vị ngọt, tính mát, giải nhiệt rất tốt. Vậy cách trồng dưa hấu hay kỹ thuật trồng dưa hấu có khác dưa lê không?

Kỹ thuật trồng dưa hấu rất đơn giản và cho năng suất siêu cao. Hãy cùng nuoitrong.vn tìm hiểu về kỹ thuật trồng dưa hấu nhé!

Dưa hấu

Nội dung

Giới thiệu chung về dưa hấu

Dưa hấu thuộc loài thực vật có hoa, có tên khoa học là Citrullus lanatus. Thuộc họ bầu bí cùng với dưa lê, dưa chuột, mướp đắng, bí ngô… Dưa hấu là loại cây ăn quả, có nguồn gốc từ Tây Phi.

Dưa hấu là loại cây thân leo, có tua cuốn. Thân dài tới 3 mét, khi mọc mới có lông màu vàng hoặc màu nâu. Các lá to, thô, có lông, chia thùy và mọc xen kẽ. Cây có tua cuốn phân nhánh.

Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở nách lá, hoa đực và hoa cái cùng mọc trên một cây. Quả có vỏ dày, màu xanh nhạt khi chín chuyển sang xanh đậm, thường có đốm hoặc sọc.

Dưa hấu được trồng phổ biến ở vùng khí hậu ôn đới và nhiệt đới, phát triển mạnh ở nhiệt độ cao hơn khoảng 25°C. Quả dưa hấu có hình bầu dục, khi chín ruột có màu đỏ, hạt đen nhánh. ăn có vị ngọt thanh và mọng nước.

Giá trị dinh dưỡng của dưa hấu

Dưa hấu có giá trị dinh dưỡng vô cùng cao. Cung cấp nhiều vitamin như: vitamin C, B2, E, K… và các chất dinh dưỡng như chất xơ, chất đạm, chất béo… Quả dưa có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe:

  1. Bổ sung nước cho cơ thể. Trong quả dưa chứa hơn 95% là nước, giúp bổ sung nước sau khi vận động mạnh.
  2. Làm đẹp da: quả dưa chứa nhiều loại vitamin giúp da sáng đẹp, làm chậm quá trình lão hóa.
  3. Dưa hấu còn là loại quả giảm cân vô cùng hiệu quả. Trong dưa hấu chứa nhiều nước nhưng lại rất ít calo.
  4. Giúp tiêu hóa tốt, giảm táo bón.

Quy trình trồng dưa hấu

Kỹ thuật trồng dưa hấu rất đơn giản. Nhưng cần tỉ mỉ từ khâu chọn giống, làm đất, gieo trồng đến chăm sóc để đạt được chất lượng như mong muốn. Sau đây hãy cùng nuoitrong.vn cùng tìm hiểu kỹ thuật trồng dưa hấu đạt hiệu quả cao nhé!

Chọn giống

Có rất nhiều loại dưa hấu như: dưa hấu có hạt, dưa hấu không hạt, dưa hấu ruột vàng, dưa hấu tròn… Nhưng dưa hấu có hạt là loại được trồng phổ biến ở nước ta.

Nên chọn những hạt dưa mẩy, chắc và mua ở đại lý phân phối cây trồng uy tín, chất lượng.

Trước khi trồng nên ngâm hạt trong nước ấm khoảng 3 – 4 tiếng. Sau đó ủ trong khăn ẩm, sạch, thoát nước tốt. Trong quả trình ủ hạt giống phải thường xuyên kiểm tra xem hạt có bị khô hay không để bổ sung nước kịp thời. Giúp quá trình hạt nảy mầm diễn ra nhanh hơn.

Xem thêm  Cách trồng đậu đen - Bí quyết "hữu hiệu" mà bạn cần biết

Khi hạt nảy mầm vừa phải thì đem đi gieo trồng.

hạt giống

Làm đất trước khi gieo trồng

Làm luống dưa hấu rộng khoảng 3,5 mét, mỗi luống cách nhau 1 mét. Nên đánh luống cao, tránh ngập úng vào mùa mưa.

Trước khi đánh luống nên cày đất cho tơi xốp, bón lót phân chuồng ủ mục kết hợp với phân vi sinh. Sau khi bón lót khoảng 10 ngày mới tiến hành đánh luống gieo trồng.

Sau khi đánh luống xong chúng ta tiến hành phủ nilon và đục lỗ gieo hạt. Nên phủ nilon kín luống để tránh cỏ mọc. Đục lỗ hình tròn, mỗi lỗ cách nhau khoảng 40 – 50cm.

Gieo hạt

Có 3 cách gieo trồng:

  • Gieo khô: bỏ trực tiếp hạt vào lỗ đã đục. Cách này tuy nhanh nhất nhưng tỷ lệ hạt nảy mầm thấp.
  • Ủ nảy mầm rồi gieo: tỷ lệ hạt nảy mầm cao hơn.
  • Uơm bầu: tỷ lệ hạt nảy mầm cao tuy nhiên tốn rất nhiều thời gian. Cách ươm bầu dưa hấu tương tự dưa lê.
  1. Sau khi hạt nảy mầm chúng ta gieo hạt vào bầu. Đất bầu gồm 60% đất bột, 35% phân hữu cơ ủ mục, 5% phân lân. Đảo trộn các nguyên liệu với nhau sau đó cho vào bầu.
  2. Hạt đã nảy mầm phải được cắm đầu hạt xuống đất, sau đó để bầu ở nơi thoáng mát, có che chắn. Bầu phải được tưới nước thường xuyên.
  3. Sau khi cây mọc từ 2 – 3 lá mầm chúng ta tiến hành trồng vào lỗ đã đục sẵn.
bầu dưa hấu

Chăm sóc cây dưa hấu

Tưới nước

Phải thường xuyên tưới nước cho cây, tránh để cây bị héo chết. Cây dưa hấu rất dễ bị úng nước nên khi tưới không tưới quá nhiều.

Khi không cần thiết nên tháo nước trong ruộng, để được khô ráo. Tránh để cây ngâm trong nước gây thối rễ.

Bón phân

Trước khi gieo trồng nên bón lót phân NPK với phân chuồng ủ mục. Phân bón lót được trộn theo tỷ lệ một bao phân chuồng kết hợp với 10kg NPK. Mỗi sào bón khoảng 10 bao phân chuồng.

Sau khi cây phát triển được khoảng 5 tuần tuổi phải tiến hành chôn phân để cây lấy chất dinh dưỡng nuôi cây.

Thường xuyên kết hợp tưới phân kích thích rễ và nhánh phát triển. Trong quá trình cây nuôi quả nên tưới phân để quả to và phát triển nhanh hơn.

Phun thuốc

Phun thuốc kịp thời khi cây có dấu hiệu sâu bệnh. Có thể phun thuốc giúp nhánh phát triển hơn, hoa to.

Bấm ngọn cho cây

Sau khi cây 16 – 17 ngày tuổi, có 4 – 6 lá thật chúng ta tiến hành bấm ngọn cho cây. Khi bấm ngọn chúng ta để lại khoảng 3 lá thật. Trong quá trình bấm ngọn chúng ta kết hợp làm cỏ hốc cây.

Bấm ngọn cho cây

Tỉa nhánh, ghim chỉnh dây

Mỗi cây dưa chúng ta để 2 nhánh chính. Để hai nhánh tương đối bằng nhau và cắt tỉa các nhánh còn lại. Các nhánh phụ mọc ra từ nhánh chính cũng phải được cắt bỏ hết.

Xem thêm  Kỹ thuật trồng và chăm sóc cà chua dây leo "sai quả" dễ dàng

Sau khi tỉa nhánh xong chúng ta tiến hành ghim dây. Cho hai dây bò song song và ghim dây vuông góc với mặt luống. Vật liệu để ghim là lạt tre hoặc dây dứa.

  • Nếu dùng lạt tre chúng ta tiến hành ghim từng nhánh một. Khi dây dưa dài ra chúng ta tiếp tục ghim để dưa bò thẳng.
  • Nếu dùng dây dứa chúng ta cố định hai đầu dây bằng que hoặc đũa. Đặt nhánh dưa phía dưới dây dứa, chỉnh nhánh cho thẳng.

Ưu điểm của việc ghim nhánh bằng lạt tre sẽ làm cho dây dưa không bị xô đẩy khi gặp gió bão. Tuy nhiên cách này tốn thời gian hơn việc ghim bằng dây dứa.

Thụ phấn cho cây

Dưa hấu là loại cây rất khó tự thụ phấn vì vậy chúng ta phải tiến hành thụ phấn cho cây. Để tiến hành thụ phấn chúng ta lấy phấn từ nhụy cây hoa đực quét lên nhụy hoa cái. Một bông hoa đực có thể thụ phấn từ một đến ba hoa cái.

Hoa cái là hoa nhỏ, dưới cuống hoa có quả con. Hoa đực to hơn, dưới cuống không có quả. Để dễ dàng hơn trong quá trình thụ phấn, chúng ta ngắt bỏ cánh hoa đực. Cầm cuống hoa úp ngược lại sao cho nhụy hoa đực chạm vào nhụy hoa cái.

Thụ phấn cho cây

Vị trí hoa cái để lấy quả tốt nhất là hoa cái mọc ở nách lá thứ 12 – 15, tương đương với hoa cái thứ hai trên cây. Nếu lấy hoa cái thứ nhất quả rất nhỏ và hay bị dị dạng. Quả thứ hai mẫu mã đẹp, vỏ mỏng và ngọt nhất.

Nếu hoa thứ hai bị hỏng chúng ta sẽ tiến hành thụ phấn quả thứ ba. Tuy nhiên quả thứ ba vỏ sẽ dày hơn.

Chọn quả và bấm ngọn

Sau khi thụ phấn được 3 – 5 ngày chúng ta sẽ tiến hành cắt ngọn cho cây. Vị trí cắt ngọn cách vị trí quả khoảng 5 mắt lá.

Sau khi bấm ngọn 5 ngày, khối lượng quả được 500 gam chúng ta tiến hành chọn và bọc quả. Hai dây chúng ta lựa chọn một quả đẹp nhất. Quả đẹp là quả thuôn dài, cân đối.

Sau khi chọn quả xong chúng ta tiến hành bọc quả. Tuy mất thời gian nhưng việc bọc quả sẽ tránh cho quả bị ruồi vàng, bọ xít hút chích. Chất lượng quả tốt và mẫu mã đẹp.

Quả dưa

Thu hoạch quả

Sau khi trồng được 70 ngày chúng ta tiến hành thu hoạch dưa. Nên ngừng tưới nước 5 ngày trước khi thu hoạch để dưa ngọt hơn, ít bị vỡ khi vận chuyển. Không phun thuốc, tưới phân ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch.

Quả dưa

Một số bệnh thường gặp ở cây dưa và cách phòng ngừa

Kỹ thuật trồng dưa hấu khá đơn giản nhưng nếu không phát hiện ra bệnh kịp thời để phòng ngừa thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả. Một số bệnh thường gặp ở cây như:

Xem thêm  Các loại rau trồng trong bóng râm “dễ trồng nhất “

Bệnh thán thư

Bệnh thán thư là bệnh phổ biến ở dưa hấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng và mẫu mã dưa. Bệnh do nấm gây hại, thường tất cả các bộ phận trên mặt đất đều có thể bị bệnh.

Bệnh xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây, nhưng đặc biệt gây hại mạnh là giai đoạn hình thành trái.Nếu không phát hiện kịp thời có thể gây thối trái, nứt dây. Bệnh dễ dàng xuất hiện trong thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao.

Bệnh gây hại cả trên lá, thân và quả với các biểu hiện khác nhau. Trên lá, các đốm bệnh xuất hiện bên dưới các lá già, lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, lâu dần biến màu nâu.

Cách phòng tránh:

  • Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng bằng cách bón phân vi sinh, rắc vôi bột.
  • Phát hiện bệnh sớm để kịp phòng ngừa.
  • Phun một số thuốc đặc trị thán thư.

Bệnh sương mai

Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Triệu chứng của bệnh được biểu hiện rõ nhất trên lá. Ban đầu vết bệnh là những đốm nhỏ hình đa giác hơi vàng, sau đó vết bệnh chuyển dần sang màu nâu. Những đốm bệnh nằm rải rác hoặc dọc theo gân lá.

Bệnh sương mai khá giống thán thư, vì vậy phải xác định rõ cây bị bệnh gì để phun thuốc cho phù hợp.

  • Bệnh sương mai: những đốm nhỏ nằm rải rác trên lá.
  • Bệnh thán thư: những vết thâm gây cháy lá, đứt gân lá.

Các món ăn chế biến từ dưa hấu

Dưa hấu là loại quả rất được ưa chuộng và chế biến được rất nhiều món ăn, đồ uống hấp dẫn:

  1. Sinh tố dưa hấu
  2. Kem dưa hấu
  3. Thạch dưa hấu
  4. Mứt dưa hấu
  5. Quả dưa hấu non còn được thái nhỏ, phơi khô xào ăn rất ngon.
sinh tố dưa hấu

Dưa hấu là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết. Nó tượng trưng cho sự đủ đầy, tròn trịa. Dưa hấu còn chế biến được nhiều món ăn ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Hãy áp dụng kỹ thuật trồng dưa hấu của nuoitrong.vn để có được quả dưa hấu như bạn mong muốn nhé! Chúc bạn thành công.

Theo: Hoàng Oanh

4.6/5 - (7 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận