Kỹ thuật trồng bầu sao tại nhà cho nhiều quả

Bầu là loại quả được nhiều người ưa thích bởi vị ngọt, mát, dễ ăn. Vậy kỹ thuật trồng bầu sao có khó không? Trong bài viết này, hãy cùng nuoitrong.vn tìm hiểu kỹ thuật trồng bầu sao tại nhà cho nhiều quả nhé!

Nội dung

Đặc điểm cây bầu sao

Bầu sao thuộc loại cây dây leo hàng năm, thân leo bằng tua cuốn. Thân cây phát triển mạnh và phân nhánh giống với dưa leo, mướp. Lá bầu có đường kính khoảng 20 cm hình trái tim, trên mặt lá có nhiều lông.

Rễ bầu sao phát triển theo kiểu lan rộng, các đốt ở thân cây có khả năng mọc rễ bất định.

Hoa bầu sao có 5 cánh, màu trắng. Quả bầu sao có hình trụ, đường kính khoảng 6 – 8 cm, dài khoảng 50 – 100 cm. Vỏ quả bầu sao có nhiều lông mịn, vỏ màu xanh có các đốm trắng giống như sao nên được gọi là bầu sao.

hoa bau sao

Cây bầu sao cho quả sau khoảng 65 -75 ngày sau khi trồng.

Bầu sao có nguồn gốc từ châu Phi, ưa khí hậu nhiệt đới. Nhiệt độ thích hợp cho bầu sao phát triển từ 20 – 30 độ C.

Hiện nay có 4 loại bầu được trồng làm rau chủ yếu là: bầu trắng, bầu sao, bầu thước và bầu thúng. Tuy nhiên bầu sao được trồng phổ biến hơn cả bởi năng suất và độ ngon của loại bầu này.

Thời vụ trồng bầu sao

Bầu sao có thể trồng quanh năm, vào mùa mưa cho ít quả hơn mùa nắng. Bầu ưa ánh sáng nên thời vụ chính vào mùa hè. Thời điểm trồng thích hợp nhất là từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch hàng năm.

Trồng đúng thời điểm sẽ giúp cho cây bầu sinh trưởng và phát triển trong điều kiện thời tiết thích hợp nhất. Cây sẽ khỏe mạnh và cho nhiều trái. Thời gian bầu cho quả khoảng 65 – 75 ngày kể từ khi trồng.

ky thuat trong bau

Chuẩn bị đất trồng bầu sao

Bầu sao là loại bầu có thể sinh trưởng được trên nhiều loại đất khác nhau. Nhưng bạn vẫn nên chọn đất để trồng bầu sao có độ pH từ 6 -7.

Đất trồng bầu sao nên là đất tơi xốp và chứa nhiều dinh dưỡng. Để bộ rễ cây bầu sao có môi trường phát triển tốt nhất. Một vài gợi ý cho các bạn có thể sử dụng đất mùn hoặc đất phù sa,…

Tự chuẩn bị đất trồng bầu sao cũng khá đơn giản. Sau khi cuốc đất vườn lên thì phơi nắng một vài ngày để hạn chế nấm phát triển. Đập nhỏ đất rồi trộn với phân chuồng ủ hoai mục có thể thêm vỏ trấu hoặc xơ dừa để tăng thêm độ xốp.

Đất trồng sau khi chuẩn bị có thể sẵn sàng mang đi trồng bầu trong vườn hoặc trong chậu (thùng).

Các bạn cứ yên tâm vì công việc chuẩn bị đất này không phí công đâu ạ. Cây bầu non sau khi trồng sẽ lớn nhanh trông thấy. Làm đất càng kỹ thì cây sinh trưởng càng nhanh.

Xem thêm  Kỹ thuật trồng dưa hấu "siêu ngọt" và cực kì đơn giản

Chuẩn bị hố hay chậu trồng bầu sao

Nếu trồng bầu sao ở trong vườn, các hố trồng bầu sao cần chuẩn bị phải có kích thước tối thiểu 50 x 50 cm. Chiều sâu tối thiểu 30 cm. Như đã đề cập ở trên, việc này để tạo không gian tốt nhất cho rễ bầu con phát triển trong giai đoạn đầu.

Nếu trồng bầu trong thùng xốp hoặc các chậu thì phải đảm bảo kích thước tối thiểu tương đương với hố trồng ở đất.

Các thùng chứa phải đảm bảo thoát nước tốt. Đục các lỗ thoát nước ở đáy và 2 bên thùng. Đảm bảo trong truòng hợp trời mưa to hoặc tưới quá nhiều nước thì rễ cây không bị úng.

Kỹ thuật trồng bầu sao

Xử lý hạt giống bầu sao

Hạt giống bầu sao có thể mua tại các cửa hàng hạt giống, chọn các giống có năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt. Sau khi đã có hạt giống, đem ngâm vào trong nước ấm (pha theo công thức 3 sôi 2 lạnh).

Ngâm hạt giống trong khoảng 6 giờ. Ngâm hạt để hạt nảy mầm dễ hơn. Hạt sau khi ngâm được ủ trong khăn hoặc giẻ ẩm. Ủ trong khoảng 1,5 – 2 ngày. Có thể ủ trong cát ẩm hoặc tro bếp cũng được. Đảm bảo được độ ẩm môi trường cho hạt.

Những hạt đã nứt nanh, chuẩn bị nảy mầm là đã sãn sàng có thể đem đi trồng.

Trong trường hợp các bạn không muốn trồng cây từ hạt giống thì có thể trồng bằng cây con. Mua các cây bầu con ở ngoài chợ, chú ý chọn các cây có lá còn lành lặn, thân mập mạp không bị cong queo.

Tiến hành trồng bầu sao

Gieo hạt bầu sao đã nứt nanh xuống đất hoặc khu vực gieo hạt đã chuẩn bị trước (có thể là khay hoặc bầu đất).

Gieo hạt xuống đất sao cho sâu khoảng 2 – 3 cm, quay đầu nứt nanh xuống dưới. Có thể cho thêm một ít xơ dừa hoặc mùn cưa lên trên bề mặt hạt vừa gieo. Để tạo điều kiện cho hạt nảy mầm và chỗ bám cho rễ cây bầu. Sau đó lấp đất và tưới một lượt nước.

Tưới nước hàng ngày sau khi gieo để giữ đủ ẩm cho hạt nảy mầm. Tưới quá nhiều nước dễ khiến hạt bị thối.

Các hạt không gieo trồng trực tiếp vào hố trồng thì cần chờ cho đến khi cây bầu con mọc ra có từ 3 – 5 lá non thì mới đem đi trồng.

bau sao

Với các cây bầu giống con mua sẵn khi đem trồng thì cần chú ý những điểm sau. Chừa lỗ trồng rộng hơn kích thước bầu giống. Dùng dao lam cắt bỏ phần ni lông bên ngoài bầu. Chú ý không để vỡ bầu hoặc đứt các rễ non nếu có.

Nhẹ nhàng đặt bầu vào vị trí, lấp đất xung quanh và ấn nhẹ để cố định bầu. Sau khi trồng tưới một lượt nước. Với mỗi hố trồng hoặc chậu trồng đã chuẩn bị nên trồng 2 – 3 hạt giống hoặc cây bầu con.

Xem thêm  Cách trồng gừng tại nhà cho nhiều củ cực kỳ đơn giản

Chăm sóc cây bầu sao

Tưới nước

Bầu sao là loại cây cần nhiều nước để sinh trưởng. Tưới nước 2 lần mỗi ngày cho cây vào buổi sáng và chiều tối để giữ cho gốc cây đủ ẩm. Cần phải tưới nước thường xuyên để cây phát triển tốt. Tưới đều cho đến khi cây ra hoa rộ.

Khi cây bắt đầu có trái thì cần cung cấp nước nhiều hơn bằng cách tăng lượng nước tưới cho cây trong mỗi lần tưới.

Bón phân

Bón lót cho bầu sao trước khi trồng bằng phân chuồng ủ hoai mục. Bón một lớp ở dưới đáy hố trồng hoặc chậu dày khoảng 5 – 10 cm.

Sau khoảng 15 – 20 ngày kể từ khi trồng bầu, tiến hành bón lần đầu cho cây bằng phân ủ hữu cơ, phân trùn quế để cung cấp dưỡng chất cho đất. Lần bón tiếp theo nên bón khoảng sau 35 -40 ngày.

Khi cây bắt đầu lên giàn thì bón thúc cho cây bằng phân NPK. Bón ở phần rìa ngoài của hố trồng hoặc chậu trồng. Dùng xén lật phần đất ở phía ngoài lên, sâu khoảng 5 – 6 cm, rải phân rồi lấp đất lại.

Để cây cho những trái bầu to khỏe thì cần phải bón thúc thường xuyên. Kể từ thời điểm cây bắt đầu ra hoa rộ cho đến khi trái bầu non to khoảng 3 ngón tay. Bón thúc mỗi tuần một lần. Sử dụng lượng nhỏ phân NPK hòa tan vào nước và tưới đều quanh gốc cây.

bau sao

Làm cỏ, vun gốc và cắt tỉa

Chú ý quan sát để nhổ bỏ cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng xung quanh gốc bầu. Có thể phủ một lớp rơm xung quanh gốc để giữ ẩm và ngăn cỏ dại phát triển. Làm cỏ kết hợp với vun gốc, bổ sung mùn hữu cơ cho gốc cây để cây bầu sao phát triển nhanh.

Khi dây bầu dài được 1 m thì tiến hành khoanh dây vòng gốc. Lấy đất chặn lên trên đốt thân cây bầu, cứ cách 2 đốt lại dùng đất chặn đến khi còn cách 20 cm tính từ ngọn bầu.

Mục đích để cho bầu ra thêm nhiều rễ, tăng diện tích tiếp xúc của thân với đất. Cây bầu sẽ lấy được nhiều chất dinh dưỡng để tăng khả năng nuôi trái. Trong giai đoạn này cũng cần bổ sung đất và mùn hưu cơ trên gốc.

Cắt bỏ các dây nhánh từ gốc lên đến giàn để gốc bầu được thoáng. Khi bầu lên giàn thì không nên tỉa các dây nhánh để bầu cho quả.

Sau khi thu hoạch phải bấm ngọn để quả phát triển lớn và bầu tiếp tục cho quả ở các nhánh khác. Việc cắt tỉa cành và lá già có thể tiến hành bất cứ thời điểm nào sau khi có quả.

Làm giàn

Khi bầu trồng được khoảng 1,5 tháng thì tiến hành làm giàn cho bầu leo lên. Giàn bầu làm bằng phẳng, đan bằng dây thép hoặc tre nứa. Chiều cao của giàn nên vào khoảng 2,5 – 3 m để quả bầu phát triển và thu hoạch dễ dàng.

Xem thêm  Cách trồng rau mồng tơi chuẩn organic tại nhà siêu đơn giản

Cắm thêm que nứa để hỗ trợ bầu leo lên giàn. Để bầu leo tự nhiên, không lật ngửa hay xoắn dây. Bầu sau khi lên giàn sẽ bắt đầu trổ hoa.

ky thuat trong bau

Tham khảo thêm:

Sâu bệnh hại bầu sao

Cây bầu sao có thể bị các bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, nhiễm virus. Các bạn chú ý quan sát để phát hiện kịp thời, dùng các chế phẩm sinh học để xử lý. Với các cây bầu non bị nhiễm bệnh thì có thể loại bỏ vì chúng sẽ phát triển kém.

Việc chuẩn bị kỹ đất trồng và lựa chọn giống là khâu rất quan trọng. Việc này loại bỏ các mầm bệnh sẵn có và giảm khả năng cây bầu bị nhiễm bệnh.

Một số loại sâu hại có thể kể đến như nhóm chích hút nhựa (bọ trĩ, rầy, rệp). Nhóm các côn trùng cắn lá và ngọn cây như sâu, ruồi đục lá. Nhóm đục trái như ruồi đục trái. Phổ biến vẫn hay gặp là ruồi vàng.

Khi cây còn nhỏ, có thể loại bỏ sâu hại trực tiếp. Sử dụng các chế phẩm sinh học khi phát hiện cây bị sâu hại tấn công. Lại bỏ các cành, lá bị hỏng. Sử dụng bẫy ruồi vàng tự làm rất đơn giản để thu hút và loại bỏ chúng.

Thu hoạch

Khi áp dụng kỹ thuật trồng bầu sao thì có thể thu hoạch trái sau 65 – 75 ngày. Sau khi cây ra hoa tầm 10 – 15 ngày. Lúc đó quả bầu sẽ dài khoảng từ 15 đến 50 cm tùy theo từng giống. Nếu chăm sóc tốt, cây bầu sẽ cho trái sau 2 tháng.

Nên hái bầu khi vỏ còn mềm, trái thon dài, kích thước vừa phải. Không nên để trái già mới hái. Lúc đó hạt bầu bên trong cứng, bầu sẽ không ngon và làm cây nhanh tàn.

ky thuat trong bau

Cách chế biến và tác dụng của bầu sao

Trong quả bầu có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Quả bầu có thể nấu canh, xào hay luộc tùy thích. Mọi người thường hay khoét bỏ phần ruột và hạt khi chế biến bầu. Phần ruột và hạt bầu cũng chứa nhiều vitamin và dưỡng chất. Do vậy chỉ nên bỏ khi hạt đã quá già.

Bầu có công dụng thanh nhiệt, trừ độc, chữa được những bệnh như đái tháo đường và mụn nở.

Nắm rõ các kỹ thuật trên, các bạn đã có thể tự trồng giàn bầu sao tại nhà. Vừa có giàn bầu cho bóng mát lại có những quả bầu sao ngon, sạch sử dụng cho gia đình. Nuoitrong.vn chúc các bạn thành công với kỹ thuật trồng bầu sao!

Theo: Thủy Tiên

5/5 - (3 bình chọn)

Bài viết liên quan

Thêm bình luận