Dễ chăn nuôi, ít dịch bệnh mà hiệu quả kinh tế cao, vậy chăn nuôi động vật gì là hợp lý nhất? Hươu sao là một trong số những đối tượng đáng được quan tâm nhất hiện nay. Ngay sau đây nuoitrong.vn sẽ giới thiệu cho các bạn kỹ thuật nuôi hươu sao đơn giản và mang lại giá trị cao nhé!
Nội dung
Đặc điểm chăn nuôi hươu sao tại Việt Nam
Ngoài chăn nuôi gia cầm, thủy sản, chăn nuôi động vật bản địa hay một số đối tượng quý hiếm khác là hướng đi được nhiều nông hộ khắp cả nước lựa chọn.
Không chỉ dễ nuôi, các đối tượng này còn có đầu ra rất rộng mở. Nhờ vào chăn nuôi hươu sao, nhiều hợp tác xã đã có doanh thu lên đến 800 triệu đồng mỗi năm.
Mặc dù đã được đưa vào sách đỏ từ năm 2000 do số lượng ngoài tự nhiên còn rất ít, nhưng hiện tại ở nước ta cho thấy loài hươu sao đã được thuần dưỡng và phục hồi dần về số lượng.
So với các loài hươu sao trên thế giới, hươu sao Việt Nam có kích thước nhỏ hơn. Trọng lượng trung bình của mỗi cá thể hươu trưởng thành đạt từ 40- 80 kg. Các sản phẩm từ hươu khá đa dạng như thịt, bộ lông, nhung hươu,… Trong đó nhung hươu có giá trị cao nhất.
Theo thống kê, mỗi năm thu hoạch từ 0,5 – 0,7 kg nhung hươu mỗi con, có con có thể thu đến 0,9 -1 kg/con. Các nhà chăn nuôi nhung hươu có thể thu được từ 15-17 triệu đồng mỗi con.
Lợi ích từ chăn nuôi hươu
Chăn nuôi hươu ít bệnh tật, dễ chăm sóc, có thể tận dụng được nguồn thức ăn thực vật rất đơn giản như cỏ, lá, cây vườn, vỏ hoa quả,…
Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, hươu có khả năng tiêu hóa hơn 50% các chất khó tiêu, và đặc biệt chúng thích ăn các loại lá cây có nhựa mủ như sung, mít, xoan,…
Kỹ thuật để hươu mau lớn, khỏe mạnh và đạt hiệu quả kinh tế cũng là những vấn đề khó khăn cho nhiều người dân
Theo những kết quả nghiên cứu hóa học, trong nhung hươu có chứa nhiều canxi carbonat, canxi photphat, chất keo, protid, các kích tố như testosterone, pentocrin,… cùng hơn 17 loại acid amin.
Từ lâu đời, các thầy thuốc đông y đã coi sừng nhung như một vị thuốc bổ quý hiếm. Nó chống lại các quá trình oxi hóa tế bào giúp cơ thể trẻ lâu, chống co giật, chữa ung bướu, thấp khớp.
Kỹ thuật chăn nuôi hươu hiệu quả
Chăn nuôi hươu sao là mô hình rất triển vọng, mang lại thu nhập cao cho nhiều bà con tại các địa phương. Theo người nuôi, để bắt đầu thực hiện mô hình này, bà con cần số vốn khoảng 100 triệu đồng.
Với số vốn này, có thể bắt đầu nuôi 5 con cái sinh sản, 1 con đực để phối giống và lấy nhung. Sau khoảng 3 năm, bà con có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi.
Quy hoạch và bố trí trang trại chăn nuôi
Bước đầu tiên, bạn cần chuẩn bị sẵn các cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như trang trại một cách hợp lý nhất. Chăn nuôi hươu sao có những đặc thù riêng, vì vậy trước khi quyết định đầu tư cần phải năm được những yếu tố này.
Không giống với nhiều đối tượng chăn nuôi đã thuần hóa khác, hươu sao rất nhút nhát. Chỉ một tiếng động nhỏ hay một vật thể bất ngờ xuất hiện, chúng có thể nhảy, chạy tán loạn. Đôi khi một số con sẽ bị thương rất nặng.
Hươu là động vật hoang dã, vì vậy nếu có đà chúng có khả năng bật nhảy qua chướng ngại vật có độ cao lên đến 2,5m. Khi thiết kế chuồng trại chăn nuôi, bà con cần lưu ý tránh làm hàng rào thấp.
Cần làm chuồng cao với diện tích tối đa chỉ khoảng 25-30 mét vuông để tránh hiện tượng tạo đà của hươu.
Thiết kế trang trại là một khía cạnh quan trọng, có tác động mạnh đến điều kiện lao động và sự dễ dàng trong việc quản lý đàn. Cần xem xét cẩn thận cách bố trí của các thùng chứa, khay thức ăn, vị trí của các lỗ hổng, loại hàng rào, thiết kế và vị trí của các chuồng.
Tạo môi trường sống tự nhiên cho hươu
Cây cối, rừng núi cũng rất quan trọng để tạo ra một môi trường gần gũi hơn với điều kiện tự nhiên. Và từ đó làm giảm nguy cơ căng thẳng cho động vật.
Vào các thời điểm khác nhau trong năm, hươu bị căng thẳng do nhiều nguyên nhân khác nhau: bắt và thả, nhốt chuồng, cai sữa, mang thai và đẻ, v.v. Môi trường tự nhiên giúp giảm căng thẳng rất nhiều, giúp cải thiện khả năng sinh sản và sức khỏe chung của động vật.
Hươu là một loài động vật hoang dã. Vì vậy để hươu phát triển tốt nhất trong tình trạng thể chất ổn định nhất và cũng để đáp ứng các hành vi tự nhiên của chúng, cần duy trì một môi trường có càng nhiều yếu tố của môi trường sống tự nhiên của chúng càng tốt.
Bao gồm các loại cây thức ăn ưa thích của chúng. Và nếu có nguồn nước tự nhiên thì càng có lợi hơn.
Xây dựng chiến lược quản lý đàn
Việc quản lý đàn đòi hỏi phải có kiến thức tốt về hành vi và nhu cầu của hươu. Các mục tiêu của người nuôi cần được xác định rõ ràng.
Bao gồm sự lựa chọn giữa sản xuất thịt hoặc nhung hươu, hoặc cả hai. Các phương pháp quản lý tối ưu khác nhau tùy theo từng loài cụ thể.
Người chăn nuôi phải lên kế hoạch trong việc quản lý đàn của mình. Cụ thể là số lượng động vật được giết mổ, thời điểm giết mổ, tỷ lệ con đực và con cái, và phân bố lứa tuổi để đảm bảo lợi tức đầu tư tốt nhất.
Để sản xuất thịt hươu chất lượng, đặc biệt là xuất khẩu, các cơ sở giết mổ phải được trang bị tốt, hợp vệ sinh và được kiểm soát bởi các dịch vụ y tế công cộng. Có thể sử dụng các lò giết mổ gia súc cho hươu nhưng phải đảm bảo đúng chất lượng.
Cung cấp dinh dưỡng cho hươu
Hươu chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Ở thời điểm này, hươu có thể ăn đến 60% tổng số thức ăn của khẩu phần ăn hàng ngày. Ban ngày hươu ăn ít hơn, chúng dùng phần lớn thời gian này để nhai lại thức ăn.
Chính vì tập tính này, ở nhiều hợp tác xã chăn nuôi sẽ cho hươu ăn từ 2-3 bữa mỗi ngày. Lượng thức ăn tập trung nhiều vào buổi tối.
Thu hoạch nhung hươu
Với kỹ thuật chăm sóc tốt, hươu sao sẽ rất khỏe mạnh và nhanh chóng cho thu hoạch nhung. Sau khi nuôi hươu sao con khoảng 15 tháng, người chăn nuôi có thể thu hoạch nhung hươu. Và từ đó có thể thu hoạch hàng năm.
Nhung hươu là sừng của hươu đực. Khi mới mọc, sừng rất mềm, mặt ngoài phủ đầy lông. Khi sờ vào tạo cảm giác êm mịn như nhung nên được gọi là nhung hươu.
Để lấy nhung, trước tiên hươu phải được gây mê hoàn toàn hoặc gây tê cục bộ vị xung quanh vị trí nhung. Sau khi con vật đã được làm tê, áp một chiếc garô vào nhung.
Sau đó cắt thành những nhát nhỏ một cách nhanh chóng bằng việc sử dụng cưa bằng thép không gỉ có răng mịn hoặc băng nhiều công cụ khác. Không nhất thiết phải để garô tại chỗ quá 20 phút.
Phòng ngừa dịch bệnh
Hươu tiếp xúc với nhiều bệnh do vi rút và vi khuẩn và nhiều loại ký sinh trùng. Khi số lượng động vật bị nuôi nhốt tăng lên, thiệt hại sẽ tăng lên nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp.
Để chống lại bệnh tật trước hết cần phải có biện pháp phòng ngừa tốt. Bao gồm dinh dưỡng hợp lý, kiểm tra sức khỏe và tiêm chủng. Trang trại chăn nuôi cần được kiểm soát dịch hại đều đặn.
Một số lưu ý khi chăm sóc hươu sao bị suy nhược
Chăn nuôi hươu sinh sản là giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất. Nếu không chăm sóc tốt, hươu cái có thể bị suy nhược cơ thể, gầy yếu, dễ mắc bệnh thậm chí có thể chết. Điều này có thể làm sụt giảm kinh tế. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này?
Dấu hiệu nhận biết: Sau khi đẻ và chăm sóc con, hươu bị gầy đi thấy rõ, thao tác chậm chạp, lờ đờ, không tỉnh táo, khớp nổi to.
Điều trị và dinh dưỡng
Để điều trị những con hươu này, chúng sẽ được tách ra chăm sóc với chế độ đặc biệt. Thức ăn được tăng lên nhiều hơn, nhiều cỏ dại, lá cây, nhiều tinh bột hơn, không giới hạn chế độ ăn uống của chúng.
Theo các kỹ sư chăn nuôi, thông thường khẩu phần ăn của hươu cái sau cai sữa bao gồm 10-15 kg lá hoặc cỏ, 15 gam muối và 20 gam chất khoáng.
Tuy nhiên, trường hợp hươu bị suy nhược, thức ăn cần tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng. Cụ thể, lá, cọ cần tươi ngon để đủ sinh tố và dưỡng chất. Đặc biệt cần bổ sung và tăng cường các loại thức ăn tinh bột giàu dinh dưỡng.
Thông thường, loại hạt được sử dụng là hạt ngô vì ngô dễ tiêu, có sẵn, dễ bảo quản hơn các loại lương thực khác.
Có thể ngâm ngô trong nước từ 12-18 tiếng/ ngày. Ngô dễ hấp thu nước làm mềm. Do đó khi hươu ăn sẽ dễ dàng tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng hơn.
Để việc cung cấp dinh dưỡng đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên cho hươu ăn thức ăn tinh vào buổi chiều sau khi đã cho chúng ăn no thức ăn xanh. Lượng thức ăn không hạn chế.
Cùng với đó, cần tiêm và bổ xung các loại vitamin, thuốc bổ vào thức ăn cho hươu. Đồng thời thực hiện việc tẩy giun sán đầy đủ. Với chế độ chăm sóc này, sau từ 3-6 tháng hươu sẽ hồi phục.
Giải đáp thắc mắc
Câu hỏi 1
Nuôi hươu đẻ được hơn 1 năm tuổi. Khoảng 2 ngày gần đây hươu đi được mấy bước là bị té ngã. Hơn nữa việc đi lại trở nên khó khăn, bỏ ăn, xù lông. Chưa cho dùng thuốc. Nguyên nhân và cách khắc phục là gì?
Hươu nuôi trong tình trạng này đã bị nhiễm liên cầu khuẩn. Biện pháp khắc phục:
- Tách riêng hươu bệnh nơi khô ráo, thoáng mát, yên tĩnh và cung cấp đủ nước, thức ăn
- Tiêm kháng viêm, giảm đau bằng một trong số các thuốc có hoạt chất như Ketopen 10% hoặc Genixine hoặc Dexalone hoặc Diclofenac 2,5%. Tiêm bắp 1 lần/ ngày trong 3 ngày liên tiếp. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Dùng 1 trong số các kháng sinh có hoạt chất sau:. Penicillin kết hợp với thuốc nhóm beta- lactam như Amoxicillin. Hoặc Ampicillin hoặc Cephalosporin hoặc Oxytetracycline hoặc Ceftiofur hoặc Cefquinome đều cho kết quả tốt. Tiêm 1 lần/ ngày trong khoảng 3-5 ngày liền. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Cho uống chất điện giải Gluco- C 5 ngày liền
- Dùng thuốc Catosal 10%, tiêm bắp 1 lần/ ngày trong 5 ngày liền
- Bổ sung vitamin A, D, E + vitamin B Complex, khoáng chất Premix vào thức ăn, cho ăn 1 tháng liền
- Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi bằng dung dịch thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường
Câu hỏi 2
Làm thế nào để cho hươu một năm ra 2 lần nhung, ho nhung trái mùa?
Theo các chuyên gia, hiện tại chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, việc ra nhung là hiện tượng mọc lại sừng sau khi cắt. Để hươu ra nhung nhanh, chế độc cho ăn phải rất tốt và có đủ dinh dưỡng sau khi cắt sừng.
Ngoài ra còn phụ thuộc vào môi trường chăn nuôi và sức khỏe của hươu. Vì vậy, việc mọc sừng non (nhung) sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố này. Hiện tại mọi năm chỉ có thể khai thác nhung được 1 lần.
Chăn nuôi hươu hiện nay là một hoạt động kinh tế được thiết lập tốt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khi số lượng sản phẩm ngày càng tăng được đưa ra thị trường toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các trang trại ngày càng tăng. Từ đó các phương pháp quản lý chuyên sâu hơn cũng tiến bộ hơn rất nhiều. Chúc các bạn thành công!
Theo: Ngọc Lan