Giấm tỏi ớt thường được sử dụng trong các món chấm như bún, rau, thịt nướng, thịt luộc … Tỷ lệ pha giấm tỏi như thế nào để cho ngon? Làm như thế nào để giấm tỏi không bị xanh? Cùng nuoitrong.vn tìm hiểu cách ngâm tỏi ớt và các bí quyết nhé!
Nội dung
Công dụng của tỏi
Tỏi là một loại gia vị rất phổ biến trong các món ăn Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam. Vùng miền nào cũng sử dụng tỏi để làm gia vị cho các món ăn. Ví dụ như cho vào các món xào xáo, ướp các món nướng, cho vào trộn nộm, và các loại nước chấm, nước gỏi,…
Tỏi vừa là gia vị cũng là một vị thuốc nam. Các cụ ngày xưa đã sử dụng tỏi để chữa đầy hơi.
Ở phương tây, các loại thịt như thịt trâu, thịt bò được liệt vào các loại thịt đỏ khó tiêu. Và để ăn kèm với thịt bò thì người ta phải làm một thứ gì đó ăn kèm giúp tiêu thực. Như một chất xúc tác để nhanh tiêu thì người phương tây sử dụng rượu vang đỏ để ăn kèm.
Người Việt không có rượu vang đỏ nhưng lại rất giỏi trong việc sử dụng nguyên liệu. Dùng thực phẩm nào đi với gia vị gì. Giúp cho món ăn của người Việt cân bằng âm dương để phòng chống bệnh tật.
Do vậy tỏi hay được sử dụng kèm với thịt trâu thị bò vì có tác dụng tiêu thực.
Tác dụng phòng chữa bệnh của tỏi
Thứ hai, tỏi có tác dụng phòng chống cảm cúm. Tỏi dùng phòng chữa bệnh cho người và cho cả vật nuôi, gia súc. Có thể kể đến cách dùng tỏi chữa bệnh cho gà hay dủng tỏi cho cá ăn.
Ngoài ra còn rất nhiều tác dụng khác. Tỏi làm giảm các quá trình oxi hóa, chậm quá trình lão hóa. Các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng tỏi cũng có khả năng phòng chống ung thư, chống xơ vữa động mạch, giảm cholesterol.
Tỏi thường được ngâm với giấm ớt để ăn kèm với một số món ăn hoặc pha nước chấm. Ngoài bát canh rau muống luộc chua giải nhiệt ngày hè, nếu có thêm bát nước giấm tỏi để chấm rau thì hết ý.
Một kiến thức thú vị chắc ít người biết là bát phở bò ăn kèm với giấm tỏi mới đúng điệu chứ không phải vắt chanh.
Tham khảo thêm: Cách làm tỏi đen – “thần dược” chữa bệnh
Công thức cho lọ giấm tỏi ớt hoàn hảo
Công thức cho 1 lọ giấm tỏi ớt:
+ 250 g tỏi
+ 100 g ớt
+ 20 g muối (chia 2 lần)
+ 10 -12 g đường
+ 250 ml giấm ăn
+ 150 ml nước sôi để nguội
Công thức trên đây có thể thay đổi tùy thuộc vào lượng tỏi ớt bạn muốn ngâm nhiều hay ít. Tuy nhiên cần giữ đúng tỷ lệ là được.
Nguyên nhân giấm tỏi bị tỏi bị xanh
Nguyên nhân giấm tỏi bị tỏi bị xanh là do chọn tỏi ngâm còn non, phơi chưa đủ nắng, chưa kỹ. Một mẹo nhỏ để biết tỏi có xanh không bật mí cho các bạn:
Cắt đôi tép tỏi ra, nếu thấy lõi bên trong không có màu xanh nữa là tỏi già. Nếu có màu xanh ở giữa lõi thì thường là tỏi non, ngâm dễ bị xanh.
Giấm tỏi ngâm bị xanh KHÔNG ĐỘC, vẫn có thể ăn được bình thường, chẳng qua chỉ là hình thức không được đẹp. Nếu không ảnh hưởng gì thì cũng không nên đổ bỏ lọ giấm tỏi ớt xanh sẽ rất lãng phí.
Tuy nhiên, với những mẹo trọn tỏi và cách ngâm tỏi ớt mà nuoitrong.vn giới thiệu. Các bạn cứ yên tâm không phải lo lắng lọ giấm tỏi ớt bị xanh nữa.
Cách ngâm tỏi ớt
Chi tiết cách ngâm tỏi ớt sao cho tỏi trắng, giòn và nước trong. Và đặc biệt là để lâu thì tỏi hoàn toàn không có bị xanh. Món giấm tỏi ớt này thường hay dùng chung với bún, phở hoặc cơm chiên sẽ giúp tăng thêm vị ngon của món ăn.
Chuẩn bị tỏi
Để làm được món này thì đầu tiên cần chuẩn bị tỏi. Ở công thức trên đây có dùng 250 g tỏi. Chọn tỏi già, bóp thấy cứng và thật khô. Tỏi này lựa chọn những loại tỏi củ lớn, cho những tép tỏi to, căng bóng. Mục đích để bóc vỏ cho dễ hơn. Củ tỏi chọn phải già.
Đặc điểm nhân biết củ tỏi già là lớp bên ngoài trắng mỏng rất dễ tróc. Lớp vỏ sát củ thì rất dày và có màu nâu nhạt.
Bóc tỏi thì tiến hành dùng dao cắt bỏ phần đầu cứng sát gốc. Sau đó thì mới lột bỏ hết vỏ tỏi. Nếu thấy phần nào bị mọt, sâu hay bị dập thì cần cắt bỏ đi. Để cả thì ngâm dễ bị hỏng. Tỏi sau khi lột hết vỏ sẽ đem đi cắt lát.
Cắt và ngâm rửa tỏi
Chuẩn bị một chậu nước sạch. Lấy khoảng một lít nước là nước sạch sử dụng hàng ngày. Lấy một lưng muỗng cà phê muối trắng, tương đương với 15 g muối. Hòa tan hết muối trong chậu nước, nếm thấy vị hơi mặn mặn là được.
Cắt tỏi bỏ vào ngâm trong chậu nước muối vừa chuẩn bị. Cắt lát dẹt dọc theo chiều dài của tép tỏi. Muốn lát mỏng hay lát dày tùy thuộc vào mong muốn của các bạn. Nếu thích ăn tỏi có độ giòn thì nên lát dày hơn một chút. Nếu thích ăn sớm thì có thể lát mỏng hơn.
Lấy thìa đảo đều tỏi trong chậu nước. Ngâm tỏi trong thời gian khoảng 30 – 35 phút. Mục đích để cho ra bớt phần nhựa tỏi. Tỏi sẽ bớt hăng hơn. Những phần vỏ tỏi mà khi ta lột vỏ còn bị sót thì cũng sẽ nổi lên trên mặt nước.
Phần vỏ tỏi nếu để sót thì khi ta ngâm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của lọ giấm tỏi ớt và một chút bất tiện khi sử dụng. Chứ không ảnh hưởng đến chất lượng của tỏi ngâm.
Sau khi ngâm xong thì đổ ra rổ cho ráo nước. Cũng không cần rửa lại với nước bởi sau đó ta sẽ dùng bí quyết ngâm tỏi
Trần tỏi trong nước ấm
Đây là phần quan trọng nhất trong cách ngâm tỏi ớt.
Để giảm bớt đi độ hăng của tỏi và tránh cho phần tỏi không bị xanh thì các bạn trần sơ qua với nước nóng. Nước nóng để trần tỏi chỉ nên dùng khoảng 80 độ C.
Sau khi đun sôi nước thì tắt bếp, để cho nước nguội bớt khoảng 5 -7 phút là được. Nếu để nước sôi 100 độ trần thì phần tỏi sẽ bị chín. Khi ăn tỏi không có độ giòn.
Sau khi đổ nước thì dùng đũa đảo đều sơ qua khoảng 1 phút. Chắt bỏ phần nước, cũng lại đổ ra rổ để cho tỏi ráo nước. Công đoạn trần tỏi cũng được coi như là ta đã rửa lại tỏi.
Chuẩn bị ớt
Trong khi chờ cho tỏi ráo nước thì ta chuẩn bị phần ớt.
Ớt dùng ở đây là những trái ớt tươi. Chuẩn bị 100 g ớt có thể là ớt chỉ thiên. Chọn ớt không có trái nào bị thối, bị sâu hay bị dập. Rửa sạch và để khô.
Tùy theo sở thích mà phần ớt có thể giữ nguyên trái hoặc cắt lát ra. Lượng ớt và cách chế biến ớt tùy thuộc vào độ cay bạn muốn. Thông thường lượng ớt bằng nửa lượng tỏi, nếu cay thì ớt tỏi bằng nhau.
Ớt để nguyên quả thì bứt bỏ phần cuống xanh đi. Với ớt cắt lát thì sau khi cắt ta đem phơi.
Do đợi phần tỏi ráo nước có thể hơi lâu. Để khô nhanh hơn thì ta có thể đổ ra một cái mẹt nhỏ. Dàn đều phần tỏi ra.
Phần ớt cắt lát bỏ chung một góc phơi cùng luôn. Phơi qua để cho ráo nước chứ không phải đem đi phơi khô. Đem ra phơi nắng hoặc hong gió khoảng 15 – 20 phút.
Nếu không có điều kiện phơi thì cũng có thể dùng quạt điện để nhanh ráo hơn. Mục đích để tỏi ráo nước là để khi ngâm lọ giấm tỏi ớt sẽ không bị lên váng. Tỏi sẽ không bị hỏng.
Chuẩn bị nước giấm ngâm tỏi ớt
Trong khi chờ tỏi ớt ráo ta có thể đi chuẩn bị phần nước giấm để ngâm. Giấm sử dụng nên lựa chọn loại giấm gạo. Nếu giấm có độ chua thấp thì sử dụng lượng giấm nhiều hơn lượng nước. Nếu giấm có độ chua cao thì cho nước tương đương với lượng giấm.
Sử dụng 250 ml giấm đổ vào bát hoặc ca. Dùng một muỗng cà phê đường, tương đương với lượng 10 -12 g đường. Và 1/3 muỗng muối tương đương với 5 g. Bởi lúc đầu cũng đã ngâm tỏi với một phần muối.
Dùng 150 ml nước chín (nước đun sôi để nguội). Khuấy đều cho hòa tan hết đừng và muối.
Cách ngâm tỏi cũng có rất nhiều cách và phương pháp. Tùy theo khẩu vị của từng người, từng vùng miền mà có thể bỏ thêm đường hoặc không.
Nếu muốn vị chua thuần thì để nguyên giấm và không cho đường. Nếu muốn hơi ngọt một chút thì pha loãng giấm và thêm đường như trên.
Chuẩn bị lọ ngâm
Lọ nhựa hay lọ thủy tinh đều được hết nhưng phải đảm bảo lọ phải sạch và khô. Kể cả phần nắp lọ cũng phải khô.
Để giấm tỏi ngon hơn thì nên ngâm trong các lọ thủy tinh, sành hay sứ, gốm. Với lượng tỏi như công thức, nếu lọ bé thì cần chuẩn bị 2 lọ.
Với lọ thủy tinh, sành, sứ, … trước khi làm thì cho vào một chõ nước sôi đồ lên. Đồ – hấp trong vòng 10 phút, giống như một kiểu thanh trùng. Lấy ra để khô rồi dùng khăn sạch lau sạch.
Tiến hành ngâm tỏi ớt
Cho hết phần tỏi và ớt vào lọ, để tự nhiên không được nén chặt. Sau đó đổ hết phần nước giấm mới pha vào. Cũng không cần phải chèn thêm lên trên, đậy nắp lại.
Để bên ngoài nhiệt độ phòng bình thường, chỗ khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau khoảng 5 ngày là lọ giấm tỏi đã có mùi thơm, có độ chua và có thể sử dụng được rồi.
Sau 5 ngày bỏ vào bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Để giữ cho tỏi có độ giòn và có độ chua thích hợp. Khi cần sử dụng thì lại lấy ra. Nhớ là khi lấy ra thì phải sử dụng đũa hoặc muỗng sạch để phần còn lại trong lọ không bị hỏng.
Làm sao để giấm tỏi ớt thơm hơn?
Mách bạn mẹo nhỏ đó là tỏi chỉ bóc hết vỏ, để nguyên cả tép. Không thái lát mà ngâm cả tép trong nước nóng già pha với muối trong khoảng 10 phút.
Bởi khi thái tỏi ra ngâm thì tỏi sẽ bị mất bớt đi một phần nào tinh dầu, giấm tỏi sẽ bớt thơm hơn. Khi sử dụng thì cho ra cối đập dập qua một chút thôi là được.
Tỏi sau ngâm để khô ráo nước, ngâm cùng với ớt trong lọ. Cho khoảng nửa lít dấm gạo, không pha với nước hay đường, muối.
Sau khi ngâm cũng để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời. Lọ giấm tỏi sau khi ngâm từ 3 -5 ngày là có thể sử dụng được. Không cần bảo quản trong tủ lạnh.
Mỗi nhà nên làm một lọ giấm tỏi bởi có thể sử dụng trong rất nhiều món ăn. Cách làm giấm tỏi cũng không khó. Chỉ cần bỏ một chút thời gian thôi là chúng ta có một lọ giấm tỏi ngon rồi. Mâm cơm có một bát nước chấm giấm tỏi trông cũng ngon hơn rất nhiều rồi.
Mong rằng với những mẹo trong cách ngâm tỏi ớt trên đây mà nuoitrong.vn chia sẻ, các bạn sẽ tự ngâm được những lọ giấm tỏi ớt thơm ngon, chất lượng tại nhà. Chúc các bạn thành công!
Theo: Thủy Tiên